Bánh tai là một đặc sản mà hầu như làng quê Phú Thọ nào cũng
có, đặc biệt là thị xã Phú Thọ. Sở dĩ có tên là bánh tai vì hình dáng chiếc
bánh khi hoàn thành rất giống với tai. Nguyên liệu để làm món bánh tai rất đơn
giản, chỉ cần gạo tẻ, thịt lợn và gia vị là có thể làm được.
Thịt chua là một đăc sản của người Mường vùng Thanh Sơn, tỉnh
Phú Thọ. Thịt để làm món này ngon nhất là loại lợn lửng do người Mường nuôi tự
nhiên, quanh năm ăn củ và trái cây rừng. Nếu ai đã từng thưởng thức chắc hẳn sẽ
không quên hương vị đặc trưng của nó.
Đến với mảnh đất Phú Thọ linh thiêng của tổ tiên, lữ khách
còn được thưởng thức đặc sản trái cây của nơi này. Đó là bưởi Đoan Hùng. Đã từ
lâu giống bưởi này không chỉ nổi tiếng tại quê hương mà còn nức tiếng khắp Nam
Bắc xa gần. Bưởi có quả hình cầu dẹt, quả chưa đầy 1 kg, chín màu vàng sáng, vỏ
hơi héo, cùi mỏng, múi ráo, tôm mọng nước, màu trắng ngà, đặc trưng bởi hương vị
thơm, ngon, ngọt, mát.
Mọi người thường quen ăn củ sắn nhưng không mấy ai từng thưởng
thức món rau rắn. Búp sắn non được ngâm nước cho bớt nhựa rồi vò nát, trộn thêm
chút muối rồi đem bỏ vào vại ủ chua khoảng 4-5 ngày. Rau sắn muối được ăn kèm với
các món khác, đem xào hoặc nấu cá đều rất ngon.
Đến Phú Thọ không thể không nhắc tới thịt chó Việt Trì. Cũng
vẫn là bảy món đặc trưng như mọi nơi nhưng thịt chó Việt Trì lại có sức hấp dẫn
rất riêng bởi hương vị đậm đà và khả năng chế biến đạt đến độ chuyên nghiệp.
Cọ ỏm là thứ quà rất nhiều du khách muốn thưởng thức khi đến
Phú Thọ. Chỉ với một nồi nước đun liu riu, thả những quả cọ vào nồi, đun nhỏ lửa
từ 5 đến 10 phút rồi đổ ra rổ đến khi ráo nước là có thể ăn.